“Mùa Xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân.”
Đây là câu thơ của ông Hồ Chí Minh lúc sinh thời khi phát động phong trào này. Điều này đã cho thấy, Tết trồng cây vốn mang ý nghĩa giáo dục về quá trình làm giàu, đẹp cho đất nước, từ các hành động nhỏ bé của mỗi công dân.
Truyền thông nhà nước ngày 31/1, vào mùng 3 Tết, đồng loạt đưa tin và hình ảnh về việc Tổng Bí thư Tô Lâm trồng cây đa “cổ thụ” nhân buổi lễ phát động Tết trồng cây xuân Ất Tỵ năm 2025, tại quảng trường Đinh Tiên Hoàng, thuộc tỉnh Ninh Bình.
Các hình ảnh cho thấy, ông Tô Lâm trực tiếp tham gia trồng cây cùng đông đảo các lãnh đạo hành đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đáng chú ý là trong bức hình, Tổng Bí thư Tô Lâm và các thuộc cấp đứng chụp hình trước cây đa cổ thụ vừa trồng, “có gốc to cỡ hơn một chục người ôm không xuể”, cạnh một tảng đá to cao hơn 2 mét, khắc tên ông Tô Lâm bằng chữ vàng.
Công luận thấy rằng, việc trồng cây đa cổ thụ nhân dịp Xuân Ất Tỵ, đã cho thấy Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn tiếp nối “thông lệ” trồng cây cổ thụ, như trong quá khứ của các quan chức Việt Nam. Đây là điều, từng bị công luận chỉ trích thậm tệ.
Theo giới quan sát, trong những năm gần đây, việc trồng các cây rất lớn với tuổi đời 5-10 năm, thay vì cây non đã tạo ra sự phản cảm. Đây là việc làm mang tính tạm bợ, nhằm cho thấy thành quả ngay lập tức. Hơn nữa, việc trồng lại cây cũ do bứng từ nơi khác về, rõ ràng không tạo ra giá trị mới, không tăng thêm số lượng cây xanh, sẽ là điều phản khoa học.
Điều này trái với mục tiêu cốt lõi của Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, nhằm tăng mật độ cây xanh để cải thiện môi trường.
Chi phí bứng, vận chuyển, chăm sóc cây trưởng thành thường cao gấp hàng chục lần so với trồng cây non, sẽ gây lãng phí tiền thuế của người dân. Trong khi, ông Tô Lâm đang hô hào vấn đề tiết kiệm chi phí ngân sách của Nhà nước.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm trồng một cây đa lớn cổ thụ chục năm tuổi được công luận đánh giá, là hành động thiếu tính giáo dục, và đi theo “vết xe đổ” của người tiền nhiệm.
Đồng thời sự việc này xảy ra khi Tổng Bí thư Tô Lâm được kỳ vọng là một nhà lãnh đạo cải cách. Công chúng có thể nghi ngờ và giảm niềm tin vào các quyết định mang tính đột phá của Tổng Bí thư.
Ông Tô Lâm được đánh giá là một “nhà cải cách” với mong muốn đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới, nhưng ông đã không đủ bản lĩnh dũng cảm để phá vỡ những nghịch lý do chính hệ thống tạo ra.
Nếu ông Tô Lâm chỉ trồng cây đa cổ thụ, tức mãi chạy theo hình thức, và sự “dục tốc bất đạt”, thì kỳ vọng về một Việt Nam bước sang “Kỷ nguyên mới”, sẽ mãi mãi là giấc mơ xa vời.
Hành động trồng cây đa – là loài cây biểu tượng cho sức mạnh, sự trường tồn. Cây đa càng nhiều tuổi sẽ khẳng định vị thế lãnh đạo càng lớn. Trong khi đó, dưới góc độ khoa học, cây đa cổ thụ có hệ rễ phức tạp, việc di dời dễ làm tổn thương bộ rễ, khiến cây khó sống.
Nếu cây chết sau khi trồng, thì không chỉ tốn kém mà còn phản tác dụng về mặt truyền thông đối với lãnh đạo cấp cao. Quan trọng hơn, hàng loạt các cố, cựu lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, như các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, hay Vương Đình Huệ… cùng với các cây “cổ thụ” và bia đá lớn đã trồng trong các Tết trồng cây, thì sự nghiệp chính trị đều có chung một kết cục đáng buồn.
Công luận hết sức lo ngại và đặt câu hỏi: Liệu Tổng Bí thư Tô Lâm có thoát khỏi các vết xe đổ đó?
Trà My – Thoibao.de