Liên quan đến các biến động do việc sắp xếp tinh gọn bộ máy của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/2, Bộ Chính trị đã triển khai thành lập, chỉ định nhân sự lãnh đạo của 4 đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Bao gồm: Đảng bộ các cơ quan Đảng ở Trung ương, Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ Quốc hội và Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc – các đoàn thể Trung ương. Cụ thể:
– Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú giữ chức Bí thư Đảng ủy của Đảng bộ các cơ quan Đảng ở Trung ương.
– Đảng bộ Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính giữ chức Bí thư Đảng ủy Chính phủ.
– Đảng bộ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn giữ chức Bí thư Đảng ủy Quốc hội.
– Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, và các đoàn thể Trung ương do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến giữ chức Bí thư Đảng ủy.
Đồng thời, Bộ Chính trị cũng Quyết định nâng vai trò của 3 cơ quan Đảng ở Trung ương, gồm Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, và Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.
Theo đó, ông Lê Hoài Trung, giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo – Dân vận Trung ương; và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang giữ chức Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.
Theo giới phân tích quốc tế, chủ trương và biện pháp vừa kể trên của Tổng Bí thư Tô Lâm là nhằm củng cố và mở rộng quyền lực cá nhân của ông Tô Lâm.
Hơn nữa quyết định này đã đưa ông Tô Lâm về mặt danh nghĩa đứng trên tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam, như: Quốc hội, Chính phủ và hệ thống các đoàn thể là cánh tay nối dài của Đảng. Khác hẳn khái niệm “Tứ trụ” từ trước cho đến nay vốn có vai trò và vị thế tương đương.
Đây là một quyết định mang tính chiến lược, nhằm sắp xếp lại trật tự trong Đảng, tương tự như mục đích của Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc giai đoạn 1966 – 1976.
Mục đích chính của Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa là củng cố quyền lực cá nhân, và loại bỏ các đối thủ chính trị trong Đảng. Với mục tiêu sâu xa của Mao là tái lập quyền kiểm soát tuyệt đối trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tương tự, Tổng Bí thư Tô Lâm đã và đang triển khai cái gọi là Chiến dịch “tinh gọn bộ máy” để cải tổ cơ cấu tổ chức. Thông qua chiến dịch này, ông Tô Lâm muốn loại bỏ các cá nhân và phe “chống đối” trong Đảng.
Đồng thời, Tô Lâm cũng ráo riết thúc đẩy việc thăng tiến của các đồng minh thuộc phe Hưng Yên, như việc bổ nhiệm ông Nguyễn Duy Ngọc, vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương.
Điều đó đã cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm đang củng cố mạng lưới quyền lực trong các cơ quan trọng yếu hàng đầu của Đảng trước thềm Đại hội 14.
Trước đây, vào tháng 7/2024, ông Tô Lâm đã từng nắm giữ 2 chức vụ hàng đầu là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Nhưng ông Tô Lâm đã không lường được hết mọi việc, và đã phải đối mặt với áp lực từ các phe phái, đành phải thất thế phải chịu nhường lại chức Chủ tịch nước cho Đại tướng Lương Cường.
Mặc dù tại thời điểm hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm được đánh giá là đã và đang nắm giữ quyền lực gần như tuyệt đối, nhưng việc bảo vệ và duy trì quyền lực lâu dài, vẫn là thách thức đối với Tô Lâm.
Những diễn biến mới nhất đã cho thấy, ông Tô Lâm đã vận dụng các chiêu trò nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị, nhằm thiết lập quyền kiểm soát tuyệt đối trong Đảng theo bài học của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm – một nhân vật được cho là chống Trung Quốc, nhưng đến nay lại đang tích cực củng cố quyền lực cá nhân bằng kinh nghiệm của Chính trị Trung Quốc đã nói lên điều gì?
Trà My – Thoibao.de