Cần đánh giá quyết tâm và kết quả của công cuộc tinh giản bộ máy

Ngày 4/1, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của tác giả Nguyễn Nhơn: “Bác Tô cạo hà”
Theo đó, tác giả cho hay, hàng chục ngàn các cơ quan giúp việc, tham mưu nhưng hầu như chỉ ngồi chơi xơi nước, về cơ bản là ngồi cho đủ mâm, chứ không hề tạo ra của cải hay thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đã được sắp xếp lại trong tháng đầu năm 2025, theo chủ trương tinh giản – cạo hà của Tổng Bí thư.

Theo quy định, công việc của các cơ quan tham mưu này là nghiên cứu, đề xuất và giúp cấp trên tổ chức thực hiện chương trình công tác; xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc; sắp xếp chương trình công tác của các lãnh đạo, thực hiện đối ngoại, phối hợp và điều hòa hoạt động của các cơ quan tham mưu, tổng hợp tình hình thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định của cấp trên, thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của cấp trên, tiếp nhận và quản lý các tài liệu, văn bản đến và đi, quản lý, khai thác ứng dụng công nghệ thông tin…
Tác giả cho rằng thực chất công việc kể trên chẳng có bao nhiêu. Người làm trong các cơ quan kiểu trên không lạ gì việc các chị em mang cả gạo thịt đến nấu ăn trưa tại cơ quan, trong giờ thì ngồi lướt mạng hay buôn dưa, 4 giờ chiều đồng loạt tắt máy tính dắt xe đi đón con để kịp về nấu cơm.
Nhưng đã là cơ quan tổ chức thì phải có đầy đủ nhân sự, cấp trưởng, cấp phó, cấp nhân viên. Có xe phục vụ thủ trưởng, có lái xe, có bảo vệ, có kế toán, có thủ quỹ… Cơ quan nào thuộc loại ấy cũng sạch bóng, vì tất cả nhân sự mỗi ngày đều lên ngồi ngáp ruồi quanh năm thì đố cha con ruồi muỗi nào thoát.
Tuy nhiên, tác giả cũng đặt vấn đề, lạ thay là không có nhiều thông tin về ngân sách chi cho những tổ chức đó là bao nhiêu? Chỉ có vài con số cá biệt, như tỉnh Lào Cai giảm 148 cơ quan, tổ chức, đơn vị, 168 lãnh đạo; ước tính tiết kiệm được hơn 600 tỷ đồng/năm. Thanh Hóa giảm gần 10.000 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cung cấp vài con số: Lũy kế từ năm 2017 đến 2019 chi ngân sách Nhà nước giảm trên 15.000 tỷ. Từ năm 2019 đến nay tiết kiệm được trên 25.600 tỷ. Số tiền trên được đưa vào cải cách tiền lương.

Theo tác giả, đó mới chỉ là các thống kê bề mặt. Lương của cán bộ nhà nước rất thấp nhưng ngoài lương, các tổ chức này còn được phân chia trụ sở, xe cộ, phương tiện hoạt động và cấp kinh phí hoạt động hàng năm. Nhất là ở các tỉnh có quỹ đất rộng lớn, trụ sở cơ quan nào cũng cao to đồ sộ, chiếm cả khu đất bát ngát. Là các tổ chức phục vụ dân nhưng chúng trông uy nghi và xa cách, đến nỗi người dân nào cũng khép nép, ngán ngại.
Nên, cho dù mang những cái tên trịnh trọng kêu vang đến đâu chăng nữa, thì về bản chất vẫn chính là bầy hà ăn bám, đã cắn riết vào xương tủy bộ máy chính quyền, quốc hội và Đảng nhiều năm. Cũng chính là cắn riết vào mồ hôi xương máu của người dân.
Tác giả dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói trên diễn đàn Quốc hội:
“Chưa có nước nào có số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tỉnh lớn khủng khiếp như Việt Nam. Cũng chưa có đất nước nào chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam”.
Trong khi đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, “Hiện ngân sách đang chi gần 70% để trả lương và chi thường xuyên. Nếu cứ thế sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển”.
Tác giả Nguyễn Nhơn kết luận, nói trắng ra là bây giờ nếu không cạo sạch mớ cơ quan bám vào Chính quyền, Quốc hội và Đảng, thì người dân sẽ phải gồng gánh loài kí sinh hút máu và phá hoại.
Tuy nhiên, thực tế cạo hà ra sao, cạo đúng chỗ hay chưa, cạo xong thì bảo trì thế nào… thì vẫn còn phải chờ xem bác Tô và các anh các chú cương quyết đến đâu.

Xuân Hưng – thoibao.de