Ngày 17/2 hằng năm là ngày quân xâm lược Phương Bắc đưa hơn nửa triệu quân, tràn vào Miền Bắc tàn sát thường dân, đánh chiếm lãnh thổ. Đây là nỗi đau lịch sử của dân tộc Việt Nam. Rất nhiều tờ báo viết về ngày này. Tuy nhiên, tờ báo Quân đội Nhân dân Việt Nam của Tổng cục Chính trị thì không hề có một dòng chữ nào nói về ngày 17/2.
Được biết, hôm ngày 5/2, ông Tô Lâm lần đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư, đã đến viếng nghĩa trang liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến biên giới phía Bắc ở Vị Xuyên. Hành động này nhận được mưa lời khen. Sau đó, ngày 14/2, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đến Pò Hèn, thuộc tỉnh Quảng Ninh, thắp hương tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ, đã hy sinh bảo vệ biên giới trước quân xâm lược Bắc Kinh.
Được biết, ông Hoàng Xuân Chiến cũng là người Hưng Yên, ông được xem là đại diện nhóm Hưng Yên trong quân đội. Ông Chiến đi lên từ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, được xem là kỳ vọng của Tô Lâm trong Bộ Quốc phòng.
Cũng thuộc về quân đội, nhưng tờ báo Quân đội Nhân dân lại tỏ thái độ hoàn toàn khác với ông Hoàng Xuân Chiến. Báo chí ở nước này chỉ là phận nô bộc, chỉ biết nói theo mệnh lệnh. Tiếng nói của họ chính là tiếng nói của đơn vị chủ quản, tức Tổng cục Chính trị.
Ngày 17/2, các tờ báo được cởi trói cho đăng bài mà không phải sợ, bởi phát biểu của Tô Lâm đề cập về Việt Nam Cộng hòa, trước đó đã mở đường cho báo chí. Riêng tờ Quân đội Nhân dân lại không muốn theo tấm gương của Tô Lâm. Rất có thể, đây là thái độ chính trị của thế lực trong Bộ Quốc phòng, thế lực này không muốn đứng dưới sự ảnh hưởng của Tô Lâm chăng?
Cho tới nay, ông Lương Cường vẫn còn đang có sức ảnh hưởng rất lớn tại Tổng cục Chính trị. Đáng nói là, trước và trong ngày 17/2, ông Lương Cường không có bất kỳ hành động nào, để tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Mà chính nhờ những người lính ngã xuống năm ấy, ông Lương Cường mới có được ngồi vào ghế nguyên thủ quốc gia hôm nay.
Quân đội là bộ mạnh nhất, với ngân sách lớn nhất và số ủy viên Trung ương Đảng đông nhất. Tuy nhiên, họ vẫn không thể vượt qua công an để chiếm giữ ghế quyền lực cao nhất, nguyên nhân cũng là bởi họ có quá nhiều phe như “loạn sứ quân”. Ông Hoàng Xuân Chiến thuộc một phe, ông Phan Văn Giang phe khác và ông Lương Cường lại là một phe khác.
Có một số nhận xét cho rằng, cánh Lương Cường đang lo ngại thế lực Hưng Yên trong Bộ Quốc phòng lớn mạnh. Tô Lâm là Bí thư Quân ủy Trung ương, tức đứng đầu quân đội về mặt Đảng. Hưng Yên có 2 Ủy viên Trung ương Đảng trong Bộ Quốc phòng, đó là Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến và Tư lệnh Quân khu 1 Nguyễn Hồng Thái. Đây được xem là lực lượng khá mạnh, nếu Lương Cường không tìm cách đè Hoàng Xuân Chiến, xem như thế tựa lưng của ông sẽ mất.
Tham vọng của Tô Lâm là tạo thế kiềng 3 chân cho hệ sinh thái quyền lực quanh ghế Tổng Bí thư. Thứ nhất là Bộ Công an, Tô Lâm đã nắm gọn trong tay từ lâu. Thứ nhì là Ban Bí thư, Tô Lâm đang cho sắp xếp lại theo ý. Ban Bí thư sẽ hoàn toàn là của Tô Lâm, vấn đề chỉ là thời gian. Tô Lâm sẽ Công an hóa Ban Bí thư sau khi loại hết những nhân tố thân Nguyễn Phú Trọng. Còn chân kiềng thứ 3 là Bộ Quốc phòng. Tô Lâm đang cạnh tranh gay gắt với Lương Cường và Phan Văn Giang. Nơi đây, nếu Tô Lâm lại thắng thì xem như toàn Đảng Cộng sản sẽ “nằm dưới gót giày” của Tổng Bí thư.
Năm 2025, năm chuẩn bị cho Đại hội 14, trong quân đội sẽ có những sự cạnh tranh khốc liệt. Tất cả đều nhắm vào Tô Lâm, không để Tô Lâm chiếm lấy “cứ địa cuối cùng” này.
Hoàng Phúc-Thoibao.de