Chuyên gia Liên Hiệp Quốc muốn Việt Nam giải trình vụ bắt cóc và xử án Đường Văn Thái

Ngày 19/2, VOA Tiếng Việt đưa tin: “Chuyên gia Liên Hiệp Quốc yêu cầu Việt Nam giải trình việc bắt cóc, xét xử Đường Văn Thái”.

Theo đó, VOA cho hay, 4 chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa gửi kháng thư, yêu cầu chính quyền Việt Nam giải trình các thủ tục tố tụng, liên quan đến vụ án blogger Đường Văn Thái bị tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù, trong một phiên tòa xử kín, sau khi có cáo buộc là ông này bị bắt cóc tại Bangkok, Thái Lan.

Kháng thư gửi chính phủ Việt Nam đề ngày 20/12/2024, và được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố ngày 17/2, viết rằng, trong phiên tòa ngày 30/10/2024, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án ông Thái 12 năm tù, vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo quy định trong Điều 117 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, ông còn phải chấp hành thêm án quản chế 3 năm.

VOA trích một đoạn trong bức thư, viết rằng: “Có thông tin cho biết gia đình của nhà bảo vệ nhân quyền không thể tham dự phiên tòa vì đây là phiên xử kín. Hơn nữa, luật sư bào chữa của ông được cho là không nhận được sự chấp thuận để bào chữa, điều này khiến họ không thể chuẩn bị đầy đủ cho phiên tòa. Ông Thái bị xét xử cùng với 7 cá nhân khác, những người này cũng bị buộc tội theo Điều 117 nhưng nhận được mức án ngắn hơn”.

Theo VOA, các báo cáo viên Liên Hiệp Quốc “bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về việc ông Thái bị cưỡng bức mất tích và bị dẫn độ”, là điều mà họ “lo ngại có thể liên quan trực tiếp đến công việc hợp pháp của ông, với tư cách là một nhà báo độc lập và người bảo vệ nhân quyền, và đến việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt của ông”. 

Các chuyên gia cũng kêu gọi “trả tự do ngay lập tức” cho ông Thái.

Ngoài ra, các chuyên gia LHQ còn yêu cầu Hà Nội giải trình cơ sở pháp lý, và cơ sở thực tế đối với việc giam giữ kéo dài và kết án ông Thái, và sự tương thích của những cơ sở đó với quyền tự do ngôn luận theo các tiêu chuẩn quốc tế.

VOA cho biết, tương tự, các chuyên gia LHQ cũng gửi văn thư đến chính quyền Thái Lan, bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng về vụ bắt cóc và cưỡng bức mất tích” đối với ông Thái tại Bangkok, Thái Lan và cưỡng bức trở về Việt Nam hồi tháng 4/2023.

Đồng thời, các chuyên gia cũng quan ngại “về sự an toàn về thể chất và an ninh của những người tị nạn ở Thái Lan, bao gồm các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền chạy trốn sang Thái Lan, do sợ bị đàn áp vì công việc hợp pháp của họ ở quốc gia bản xứ”.

VOA cho biết thêm, các chuyên gia cũng nhắc nhở chính phủ Thái Lan về nghĩa vụ của nước này theo luật pháp quốc tế là ngăn chặn, và xóa bỏ các mối đe dọa đã biết, hoặc có thể thấy trước một cách hợp lý đối với sự an toàn, an ninh hoặc quyền tự do của bất kỳ cá nhân, hoặc nhóm người nào trong lãnh thổ của mình, bao gồm cả khi những mối đe dọa đó xuất phát từ các tác nhân nhà nước ở nước ngoài.

Vẫn theo VOA, kháng thư nêu trên được báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền Mary Lawlor, Phó chủ tịch về truyền thông của Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện Ganna Yudkivska, Chủ tịch -Báo cáo viên của Nhóm công tác về mất tích cưỡng bức, và Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận Irene Khan soạn thảo.

VOA cũng cho hay, trường hợp ông Thái bị mất tích ở Thái Lan, được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận trong mục đàn áp xuyên quốc gia của Báo cáo Nhân quyền 2023.

Ngay sau khi chính quyền Việt Nam tuyên án 12 năm tù đối với ông Thái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng, họ quan ngại về việc Việt Nam ra bản án “khắc nghiệt” đối với ông, đồng thời bày tỏ sự “quan ngại” trước thông tin ông bị chính quyền Việt Nam bắt cóc tại Thái Lan.

Quang Minh  – thoibao.de