Chỉ còn khoảng 11 tháng nữa, nếu không có gì thay đổi, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 sẽ chính thức khai mạc. Theo giới quan sát, với phong độ như hiện nay, khả năng cao ông Tô Lâm và phe cánh Bộ Công an sẽ thâu tóm trọn quyền lực trong Đảng.
Theo giới quan sát, qua các hình ảnh về các hoạt động chính trị của Đảng, do truyền thông nhà nước loan tải gần đây đã cho thấy, rõ ràng trật tự, thứ tự ngôi bậc của các lãnh đạo trong Đảng đã có những thay đổi lớn. Trường hợp, thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc là một ví dụ điển hình.
Chỉ trong vòng vỏn vẹn hơn 6 tháng, ông Nguyễn Duy Ngọc từ một thứ trưởng Bộ Công an với quân hàm Thượng tướng, bỗng chốc trở thành Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nhưng về thực quyền, ông Ngọc còn có thể lấn lướt được cả Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Đây đúng là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử 95 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo giới quan sát, vào tháng 10/2023, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn giữ ngôi, khi đó giới thạo tin đã “bật mí” về một “cuộc đảo chính không tiếng súng” của Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm.
Ông Tô Lâm đã và đang sử dụng quyền lực của Bộ Công an, cộng với việc khai thác kho dữ liệu chứa đầy đủ các thông tin về sai phạm của hầu hết các quan chức. Việc lập hồ sơ để loại bỏ đối thủ chính trị, như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ…, với mục tiêu thâu tóm quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam, để đảm bảo vị thế lãnh đạo tuyệt đối của ông Tô Lâm.
Cho đến nay, sau hơn 6 tháng kể từ khi trở thành Tổng Bí thư, người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và phe cánh vẫn tiếp tục ráo riết tiến hành một cuộc đảo chính âm thầm nhưng dần lộ liễu hơn.
Theo đó, dưới sự thao túng của ông Tô Lâm, Bộ Công an đã và đang từng bước “vươn vòi” bạch tuộc, tới các vị trí nhân sự chủ chốt trong bộ máy chính trị của Đảng. Các lãnh đạo cấp cao trong ngành công an, là các nhân vật thân cận, hay đồng hương của ông Tô Lâm đã nhanh chóng thăng tiến vượt bậc bất chấp các quy định của Đảng.
Nếu với tốc độ như hiện nay, toàn bộ hệ thống chính trị ở Việt Nam sẽ nằm gọn trong lòng bàn tay, và chịu sự kiểm soát của nhà “độc tài” Tô Lâm.
Tuy nhiên, theo giới phân tích quốc tế, mặc dù ông Tô Lâm đã đạt được một số thành công đáng kể trong việc củng cố quyền lực, tương lai chính trị của ông vẫn chưa chắc chắn. Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ một bộ phận tướng lĩnh quân đội, và các phe phái khác trong Đảng, như phe Nghệ Tĩnh, với sự hậu thuẫn tổng lực từ Bắc Kinh.
Phải chăng giới phân tích đang hướng tới số đông lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là thành phần bảo thủ, vốn kiên định với con đường Chủ nghĩa Xã hội, dưới sự dẫn dắt của các tướng lĩnh được cho là thân Trung Quốc, mà Chủ tịch nước, Đại tướng Lương Cường là một trong số đó?
Nếu không gặp bất cứ sự phản kháng nào từ nội bộ Đảng, thì cuộc đảo chính của ông Tô Lâm sẽ trở thành một cuộc đảo chính cung đình ngoạn mục nhất chưa từng có trong nền chính trị cận đại của Việt Nam.
Vai trò “cứu cánh” cho thế cục này thuộc về Ban Chấp hành Trung ương – cơ quan ra Nghị quyết cao nhất của Đảng giữa 2 kỳ Đại hội toàn quốc. Theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể, Bộ Chính trị và kể cả Tổng Bí thư Tô Lâm cũng phải được Ban Chấp hành Trung ương thông qua các chính sách, bao gồm cả việc bổ nhiệm các nhân sự cấp cao.
Đây là điểm “mấu chốt” mà Trung Nam Hải có thể xử lý dễ dàng. Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Trà My – Thoibao.de
—–